Lễ hội Deepavali
Lễ Hội Deepavali, nghĩa đen là "hàng ánh sáng" được những người Hindu mộ đạo trên khắp thế giới tổ chức và là lễ hội quan trọng nhất theo Đạo Hindu. Tại Singapore, Lễ Hội Ánh Sáng - tên gọi trìu mến của Lễ Hội Deepavali rơi vào ngày 26 tháng 10 năm 2011 và là ngày nghỉ lễ tại Singapore.
Ý nghĩa của lễ hội là nhằm tôn vinh sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, của ánh sáng trước bóng tối. Lễ hội gắn liền với rất nhiều truyền thuyết, phổ biến nhất trong số đó là truyền thuyết Narakasura giành được sự ủng hộ của Thần và được ban cho trị vì cả vương quốc. Thần dân dưới ách cai trị bạo ngược của Narakasura, đã tìm đến Thần Sri Krishna - vị thần trị vì xứ Madura, xin cứu giúp. Sau đó, Narakasura đã bị giết trong cuộc chiến với Thần Krishna. Khi Thần Krishna đang trên đường trở về, cả đất nước chìm ngập trong bóng tối vì đêm đó là đêm trăng non. Để soi đường, người dân đã thắp đèn nhằm chào đón và tôn vinh chiến thắng của Thần Krishna. Cho đến tận ngày nay, người Hindu vẫn tiếp tục kỷ niệm chiến thắng của Thần Krishna trước bạo chúa Narakasura bằng tập tục thắp đèn dầu.
Trong lễ hội này, mọi người đều mặc quần áo mới và cùng thưởng thức bánh kẹo. Một số cộng đồng Ấn Độ còn bắt đầu tính năm tài chính từ ngày Lễ Hội Deepavali vì họ tin rằng như vậy sẽ mang lại cho họ sự thịnh vượng phát đạt. Cách ăn mừng truyền thống Lễ Hội Deepavali tại Singapore là nghệ thuật vẽ henna trên bàn tay. Henna là một loại cây có hoa dùng để nhuộm da, tóc, móng tay và thậm chí là da thuộc và len. Những hình xăm tạm thời này thường được các nghệ nhân trong nước thực hiện miễn phí.
Vào lễ hội này, các con đường tại Khu Tiểu Ấn được trang hoàng đầy nghệ thuật và lộng lẫy với nhiều màu sắc lễ hội, hoàn toàn lột xác nhờ vào các ánh đèn và các vòng cung sống động nhiều màu. Các phiên chợ lễ hội cùng vô số các hoạt động văn hóa như Triển Lãm Di Sản và Thủ Công Ấn Độ, Lễ Diễu Hành Đường Phố, Buổi Hòa Nhạc Đếm Ngược Thời Gian Đến Lễ Hội cũng sẽ được tổ chức. Các gian hàng lễ hội được trang trí với hoa thơm, vòng hoa sử dụng trong lúc cầu nguyện, đèn dầu truyền thống và trang phục Sari tuyệt đẹp với họa tiết gấm thêu tinh tế có đính đá quý vô cùng lộng lẫy. Nhiều trang phục, trang sức trang phục tinh xảo cùng các tác phẩm nghệ thuật và thủ công truyền thống đầy màu sắc của Ấn Độ cũng được bày bán. Trong dịp này, khách tham quan còn có cơ hội nếm thử vô vàn các món đặc sản Ấn Độ.
Nếu muốn đắm chìm trong nền văn hóa phong phú của Ấn Độ, hãy ngồi tại một quán cà phê dọc Khu Tiểu Ấn và gọi teh tarik (trà sữa sủi bọt). Hãy ngắm nhìn đám đông tấp nập, bận rộn trên các con đường và trong các cửa hàng. Hãy đến và tận mắt chứng kiến xem khu vực giàu di tích lịch sử này chuyển mình như thế nào vào lễ hội Deepavali."